Nghiên cứu đã chứng minh, tiêu thụ quá nhiều đường rất có hại cho sức khỏe. Mặc dù có thể có ý thức hạn chế đường, nhưng nhiều người thực sự vẫn chưa biết được mình đang ăn quá nhiều đường mỗi ngày.
1. Những ảnh hưởng sức khỏe khi tiêu thụ quá nhiều đường
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ăn quá nhiều đường có thể có tác động tiêu cực đến sức khỏe như làm tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì , rối loạn chuyển hoá, đái tháo đường, trầm cảm, gout, bệnh tim và một số bệnh ung thư…
Ăn các loại thực phẩm chứa nhiều đường như bánh, kẹo, đồ uống có đường, nước ngọt có gas, thực phẩm chế biến sẵn… có thể gây mất cân bằng và thiếu hụt chất dinh dưỡng. Thực phẩm chứa nhiều đường làm tăng nhanh mức calo trong khẩu phần vì đánh lừa cảm giác no.
Thực phẩm chứa nhiều đường gây hại cho sức khỏe.
Trên thực tế, việc tiêu thụ thực phẩm và đồ uống có đường được coi là rất nguy hại đối với sức khỏe và là nguyên nhân chính gây ra bệnh béo phì, đặc biệt ở trẻ em.
Trẻ béo phì dễ có nguy cơ tăng huyết áp và cholesterol trong máu cao. Cả hai đều là những yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tim mạch trong tương lai.
Trẻ em béo phì cũng có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2 cao hơn những trẻ bình thường. Chúng cũng có nhiều khả năng gặp các vấn đề về hô hấp như ngừng thở khi ngủ, hen suyễn, bị các vấn đề về khớp, gan nhiễm mỡ…
Có một mối liên hệ giữa thừa cân hoặc béo phì và bệnh đái đường type 2. Theo thời gian, tiêu thụ quá nhiều thực phẩm và đồ uống có nhiều đường có thể dẫn đến tăng cân, béo phì. Và béo phì có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2.
Đái tháo đường cũng là một yếu tố nguy cơ cao đối với bệnh tim mạch. Đây là một căn bệnh khác với các nguy cơ ảnh hưởng lâu dài nghiêm trọng.
Sử dụng nhiều đồ uống có đường cũng làm giảm khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng quan trọng như canxi và vitamin. Không những thế, chúng còn làm cạn kiệt vitamin khỏi cơ thể trong quá trình tiêu hóa, ví dụ như vitamin B tham gia vào quá trình chuyển hóa glucose.