8 loại thực phẩm ‘lén lút’ làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường

Một số loại thực phẩm chứa đường ẩn hoặc chất béo bão hòa dư thừa… có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe, trong đó làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường type 2…

Cắt giảm những thực phẩm này có thể cải thiện sức khỏe tổng thể và giúp giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường và các tình trạng sức khỏe khác liên quan.

Mặc dù không có loại thực phẩm nào trực tiếp gây ra bệnh đái tháo đường type 2 , nhưng có một số loại thực phẩm cần hạn chế và tránh dùng để giúp cải thiện sức khỏe tổng thể và giảm nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường type 2 .

1. Rau nhiều tinh bột

Rau thường được khuyên dùng như một phần của chế độ ăn uống lành mạnh. Tuy nhiên, một số loại rau chứa nhiều carbohydrate hơn những loại khác hay còn gọi là rau nhiều tinh bột.

Các loại rau nhiều tinh bột như khoai tây , đậu Hà Lan và bí đỏ… cung cấp giá trị dinh dưỡng quan trọng và là nguồn cung cấp vitamin C, vitamin B và kali cho cơ thể, nhưng chúng cũng có tỷ lệ carbohydrate cao hơn các loại rau khác, có thể làm tăng lượng đường trong máu.

Nếu bạn đang cố gắng giảm lượng carbohydrate, thì việc giảm tiêu thụ lượng rau củ có tinh bột sẽ rất hữu ích.

2. Thịt đỏ và thịt đã qua chế biến

8 loại thực phẩm ‘lén lút’ làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường - Ảnh 1.

Không nên ăn nhiều thịt chế biến.

Thịt không chứa carbohydrate, vì vậy bạn có thể tự hỏi làm thế nào nó có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.

Theo các nghiên cứu, sắt heme (được tìm thấy trong thịt đỏ) dễ hấp thụ hơn so với sắt không phải heme (chủ yếu được tìm thấy trong thực phẩm có nguồn gốc thực vật), và có thể là một phần nguyên nhân gây ra rủi ro liên quan này. Khả năng  lượng sắt hấp thụ cao có thể dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường đã được đề xuất.

Một giả thuyết cho rằng, sắt dẫn đến suy giảm chức năng tế bào beta trong tuyến tụy (tế bào sản xuất insulin, một loại hormone cho phép tế bào hấp thụ glucose) do stress oxy hóa (tạo ra nhiều phân tử oxy không ổn định hơn so với chất chống oxy hóa của cơ thể có thể trung hòa).

Một kết quả khác của stress oxy hóa gây ra bởi lượng sắt heme cao có thể làm giảm sự hấp thu glucose ở các vị trí tế bào cơ và mỡ, dẫn đến kháng insulin. Kháng insulin là dấu hiệu báo trước của bệnh đái tháo đường type 2 khi cơ thể không đáp ứng với insulin như bình thường.

Tuy nhiên, cơ chế đầy đủ mà rủi ro này có thể xảy ra vẫn chưa rõ ràng, vì có rất ít nghiên cứu điều tra mối liên quan này.

Một giả thuyết khác về lý do tại sao ăn thịt đỏ có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2 cao hơn liên quan đến cách nấu thịt . Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thịt được nấu ở nhiệt độ cao đến mức chín kỹ hoặc cháy thành than có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh mãn tính , bao gồm cả bệnh đái tháo đường type 2.

Thịt đỏ và thịt chế biến cũng được biết là có nhiều nitrit và nitrat. Những điều này đã được chứng minh là dẫn đến tăng đề kháng insulin , lượng đường trong máu bất thường và tăng stress oxy hóa… Tất cả đều có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường type 2.

photo-1682223206377

Trái cây sấy khô chứa đường ẩn làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường.

3. Trái cây chế biến

Trái cây tươi chứa nhiều vitamin, khoáng chất, chất xơ và các chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe khác. Tuy nhiên, lợi ích dinh dưỡng có thể thay đổi khi trái cây được chế biến và biến đổi trạng thái so với ban đầu.

Trái cây được chế biến thành mứt, thạch, đồ ăn nhẹ có đường hoặc trái cây đóng hộp (được chế thành xiro, thường chứa lượng đường bổ sung cao). Trái cây sấy khô đôi khi cũng chứa thêm đường.

Lượng đường bổ sung cao có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa (tăng huyết áp, lượng đường trong máu cao, nồng độ cholesterol và chất béo bất thường trong máu, mỡ bụng dư thừa) và bệnh đái tháo đường type 2.

Khi ăn trái cây, hãy chọn ăn cả trái. Các lựa chọn khác, chẳng hạn như nước ép trái cây 100%, trái cây đóng hộp chứa 100% nước trái cây hoặc nước và trái cây sấy khô không thêm đường, có thể phù hợp với chế độ ăn uống cân bằng khi tiêu thụ ở mức độ vừa phải.

Tiêu thụ toàn bộ trái cây đã thực sự được chứng minh là làm giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2.

4. Gạo trắng

Gạo là một loại ngũ cốc chủ yếu trong nhiều chế độ ăn uống và khu vực trên khắp thế giới. Gạo trắng là một loại ngũ cốc tinh chế đã được loại bỏ cám và mầm, để lại nội nhũ tinh bột.

Do quá trình chế biến này, so với gạo lứt, gạo trắng có ít chất xơ, polyphenol và các vitamin, khoáng chất khác. Gạo trắng cũng có chỉ số đường huyết cao hơn, có nghĩa là nó có thể dẫn đến lượng đường trong máu cao sau khi ăn.

Một nghiên cứu trên 132.000 người từ 21 quốc gia cho thấy, ăn nhiều gạo trắng có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tăng 20% so với tiêu thụ ít gạo.

Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) khuyến nghị, nên dành ít nhất một nửa lượng ngũ cốc hàng ngày của bạn là ngũ cốc nguyên hạt. Gạo lứt là một cách tuyệt vời để bổ sung một số loại ngũ cốc nguyên hạt của bạn. Các lựa chọn ngũ cốc nguyên hạt khác bao gồm quinoa, lúa mạch…

5. Nước ngọt

Đồ uống có đường bao gồm soda thông thường và đồ uống như nước trái cây có thêm đường, đồ uống thể thao, đồ uống có hương vị cà phê, trà ngọt và nước tăng lực…

Một nghiên cứu kiểm tra mối liên quan giữa đồ uống có đường và bệnh đái tháo đường type 2 cho thấy, uống đồ uống có đường làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2.

Do đó, thay vì uống soda suốt cả ngày, hãy chọn nước lọc. Nếu bạn muốn một chút hương vị, hãy thử thêm trái cây tươi ( chanh) , rau thơm (bạc hà hoặc húng quế) hoặc rau (dưa chuột). Nếu bạn thèm cảm giác sủi bọt đó, hãy thử nước có ga với một chút nước ép trái cây 100%.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *