PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh chia sẻ loạt lý do khiến tình trạng ngộ độc thực phẩm tăng cao vào thời điểm hiện nay.
Mới đây, thông tin nhiều học sinh mầm non nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm do ăn sữa chua phải cấp cứu trong đêm tại Nghệ An khiến nhiều người xôn xao.
Theo thông tin ban đầu từ phụ huynh học sinh, từ 18-20 giờ ngày 9.5, nhiều trẻ học tại trường Mầm non xã Thuận Sơn khi về có dấu hiệu nôn mửa, lả người và một số cháu đi ngoài. Ngay lập tức, các cháu được đưa vào Trạm y tế xã Thuận Sơn trước khi chuyển lên tuyến trên cấp cứu.
Được biết, chiều cùng ngày, trường Mầm non Thuận Sơn cho các cháu uống sữa chua. Hiện các cơ quan chức năng đã thực hiện niêm phong thực phẩm tại trường để tiến hành điều tra làm rõ nguyên nhân.
Ngộ độc thực phẩm là câu chuyện không hiếm gặp trong thời gian gần đây. Vào tháng 4, Trung tâm Y tế huyện Quế Sơn (Quảng Nam) đưa 16 học sinh đi cấp cứu nghi do ngộ độc sau khi ăn kem ống trước cổng trường.
Trước đó không lâu, ở Quảng Nam cũng xảy ra vụ hàng chục học sinh nhập viện do ngộ độc thực phẩm nghi do uống trà sữa, ăn trái cây lắc tự làm tại nhà, đem đi học…
Điều này khiến nhiều người không khỏi lo lắng, cứ đến mùa hè, khi tiết trời nắng nóng, số ca bị ngộ độc thực phẩm lại có xu hướng tăng trên cả nước.
Vì sao ngộ độc thực phẩm tăng cao vào mùa nắng nóng?
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), ngộ độc thực phẩm thực sự tăng cao hơn trong mùa nắng nóng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Thứ nhất, khâu bảo quản thực phẩm tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Ví dụ như việc bày bán thực phẩm ngoài trời, không che đậy hoặc che đậy không đảm bảo, không được bảo quản lạnh… Thực phẩm do đó dễ bị ôi thiu, nhiễm khuẩn, dính bụi bẩn đường phố… Nguy cơ ngộ độc thực phẩm vào mùa hè là điều khó tránh.
Thứ hai, nhiệt độ mùa hè rất lý tưởng cho vi khuẩn phát triển mạnh, theo cấp số nhân. Chuyên gia nhận định, vi khuẩn phát triển trong nhiệt độ 37 – 40 độ C cao gấp 3 lần so với thời tiết bình thường.
Những loại vi khuẩn này khi ở trong môi trường nắng nóng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Chẳng hạn như vi khuẩn E.coli gây bệnh đường ruột, tiêu chảy. Vi khuẩn Salmonella gây bệnh thương hàn. Vi khuẩn Shigella gây đau bụng, tiêu chảy, ngộ độc đường ruột. Vi khuẩn Staphylococcus aureus gây mủ ở vết thương. Vi khuẩn Clostridium gây tiêu chảy. Vi khuẩn Vibrio cholerae gây bệnh tả… Khi bị nhiễm khuẩn ở mức độ cao, dù có nấu chín, đun sôi cẩn thận cỡ nào, độc tố vẫn còn. Người dùng không tránh được nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Thứ ba, mùa hè là thời điểm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường, ô nhiễm do rác, nước thải, sự phát triển mạnh của ruồi, nhặng, gián, muỗi… Đây cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Không chỉ với những cửa hàng thức ăn đường phố, cửa hàng kinh doanh ăn uống mà ngay tại nhà, tự tay mình làm cũng dễ gặp rủi ro.
Thêm nữa, vào những ngày nắng nóng, sức đề kháng của mọi người đều suy giảm, luôn cảm thấy mệt mỏi, ăn uống kém. Khi ăn thực phẩm kém an toàn vào cơ thể trong tình trạng này dễ bị bụng dạ kém. Ngộ độc thực phẩm khi người đang yếu sẵn cũng khó tránh.
Chưa kể, chúng ta cũng phải đối mặt với yếu tố mất an toàn do nguyên liệu đầu vào không được kiểm soát, nguy cơ gây ngộ độc của thực phẩm còn tăng thêm do hóa chất độc hại cũng có thể được sử dụng trong quá trình sơ chế, chế biến thực phẩm. Chẳng hạn, các loại phụ gia thực phẩm tạo mùi, tạo màu, hương liệu… có thể được sử dụng bất chấp liều lượng, thành phần…
Phòng tránh ngộ độc thực phẩm vào mùa nắng nóng, đâu là giải pháp?
Theo chuyên gia, để phòng tránh ngộ độc thực phẩm vào mùa nắng nóng, mọi người cần chú ý:
– Giữ vệ sinh bằng cách rửa tay bằng xà phòng và nước trước khi chế biến và sau khi xử lý thực phẩm. Nên rửa sạch thực phẩm và rau quả bằng nước sạch, có thể ngâm nước muối để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.
– Nấu chín kỹ thức ăn. Nấu chín là cách khử độc tố trong thực phẩm. Luôn luôn ăn chín, uống sôi để giảm nguy cơ mắc bệnh tiêu hóa trong mùa nắng nóng.
– Khi đi mua thực phẩm, chú ý lựa chọn thực phẩm tươi, có nhãn mác đầy đủ, có hạn sử dụng kéo dài.
– Khi chế biến thực phẩm, chú ý tránh tẩm ướp quá nhiều chất phụ gia. Không tự ý sử dụng chất phụ gia mà không rõ nguồn gốc, xuất xứ cũng như cách dùng…
– Khi bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh chú ý điều chỉnh nhiệt độ tủ lạnh dưới 5 độ C; tủ đông ở -15 độ C đến -18 độ C.
– Sử dụng thớt khác nhau cho thực phẩm sống và chín. Chú ý rửa sạch giữa các lần sử dụng.
– Không nên coi tủ lạnh là bảo bối thích bảo đựng thực phẩm bao lâu cũng được. Tốt nhất trong mùa hè chỉ bảo quản 3-5 ngày với thức ăn thừa. Muốn để lâu hơn cần đem cấp đông.
– Khi ăn uống, chú ý rửa tay với nước sạch xà phòng trước và sau khi ăn.
– Hạn chế ăn uống vỉa hè, thức ăn đường phố để tránh nguy cơ nhiễm bệnh từ thực phẩm dễ bị ôi thiu.
– Tăng cường miễn dịch cho cơ thể bằng cách ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn, ngủ đủ giấc, không hút thuốc, rượu bia…