Nam thanh niên ở Hà Nội đến khám vì gần đây rụng tóc từng đám lốm đốm, kèm theo một số vết đỏ hồng rải rác bàn tay, chân. Anh không ngờ mình mắc giang mai giai đoạn 2.
Khám cho bệnh nhân, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Quang Minh, Phó Trưởng khoa Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương, còn phát hiện hồng ban mọc nhiều vị trí như hông, lưng, chân. Riêng tóc của anh rụng kiểu từng đám lốm đốm khác với rụng tóc kiểu hói.
Nhận thấy bệnh nhân có những triệu chứng điển hình của giang mai , bác sĩ chỉ định làm xét nghiệm. Kết quả, anh mắc giang mai giai đoạn 2.
Bệnh nhân cho biết khoảng nửa năm trước có quan hệ tình dục với người lạ nhưng không có biện pháp bảo vệ. Sau hơn một tháng, anh thấy vùng kín nổi vài vết trợt nông hình tròn, hạch nhỏ, sau đó vài tuần lại biến mất nên không để ý. Gần đây, vì tóc rụng nhiều, tay nổi hồng ban, anh mới đi khám.
“Bệnh nhân chưa từng nghĩ rụng tóc lại liên quan bệnh lây truyền qua đường tình dục”, bác sĩ Minh chia sẻ với VietNamNet .
“Đào ban mọc ở da đầu gây viêm tại chỗ, tác động vào nang tóc, khiến tóc bị rụng kiểu rừng thưa”, bác sĩ Minh nói. Do phát hiện muộn, việc điều trị sẽ phức tạp và kéo dài hơn.
Theo bác sĩ Minh, rụng tóc trong giang mai vẫn có thể phục hồi nhưng nếu điều trị muộn, tổn thương viêm nhiều khiến nang tóc hỏng, sẽ hạn chế quá trình phục hồi.
Rụng tóc không chỉ là biểu hiện của tình trạng nấm da đầu, do dầu gội mà có thể là triệu chứng cảnh báo bệnh lý nguy hiểm khác.
Rụng tóc liên quan đến bệnh lý nào?
Rụng tóc có nhiều nguyên nhân, có thể do yếu tố khởi phát từ bên trong như nhóm bệnh lý tự miễn hoặc thông qua cơ chế tác động từ bên ngoài như nhiễm khuẩn, phẫu thuật, sức khỏe tinh thần, sốt…
Thực tế, người dân khi bị rụng tóc thường nghĩ đến việc bị nấm da đầu, do dầu gội, do “mùa rụng tóc”, mà không cho rằng đây là biểu hiện liên quan bệnh lý khác. “Không ít bệnh nhân đến khám vì rụng tóc nhưng lại phát hiện ra bệnh khác”, bác sĩ Minh cho hay.
Mới đây, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên chia sẻ một trường hợp mất 11 triệu đồng đi cấy tóc ở thẩm mỹ viện để cứu cảnh rụng tóc quá nhiều nhưng không hiệu quả. Đi bệnh viện khám, chị mới biết mắc lupus ban đỏ.
“Tổn thương do lupus ban đỏ thường chia làm 2 loại, một là rụng tóc đều thưa mỏng dần, hai là rụng tóc kiểu từng mảng, các cytokine miễn dịch gia tăng tính chất hủy hoại mạch máu xung quanh nang tóc, khiến cấu trúc nang tóc bị mất đi, làm tóc rụng nhiều. Nguy cơ rụng tóc từng mảng trong bệnh này thường là kiểu rụng tóc có sẹo, khó phục hồi, việc cấy tóc sẽ không hiệu quả”, bác sĩ Minh phân tích.
Tình trạng bệnh nhân tốn tiền tự điều trị rụng tóc không hiếm. Trước khi đi khám, hầu hết bệnh nhân rụng tóc chia sẻ đã từng điều trị bằng một phương pháp nào đó, khi không đỡ mới đến viện.
Quy trình khám, kiểm tra, đánh giá rụng tóc tại bệnh viện rất chặt. “Nhiều trường hợp rụng tóc liên quan đến vai trò suy giảm tuyến giáp . Bác sĩ chỉ định kiểm tra, xét nghiệm tuyến giáp; định lượng yếu tố sắt, kẽm trong máu… Hoặc khám lâm sàng có thêm tổn thương đào ban như nam bệnh nhân trên đây sẽ chỉ định xét nghiệm giang mai”, bác sĩ Minh cho hay.
Bên cạnh những phương pháp điều trị rụng tóc truyền thống, các nhà khoa học đề xuất nhiều phương pháp bổ trợ mới tăng tốc độ điều trị. Tại Việt Nam, các bác sĩ mới đây áp dụng liệu pháp gia tăng độ mọc tóc, bảo vệ nang tóc có sử dụng thiết bị năng lượng thấp hay liệu pháp xâm nhập da đầu… Tháng 7/2022, FDA Hoa Kỳ đồng thuận cho sử dụng loại thuốc sinh học trong điều trị rụng tóc, còn Việt Nam chưa cấp phép. Bác sĩ Minh cho biết những tiến bộ trong phương pháp thẩm mỹ điều trị rụng tóc sẽ được các chuyên gia, nhà khoa học cập nhật tại Hội nghị Da liễu thẩm mỹ toàn quốc tổ chức vào cuối tháng 5.