Nếu được chăm sóc y tế thích hợp và uống thuốc điều trị theo toa, các vấn đề về tuyến giáp sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến thai phụ và thai nhi.
Thai phụ nên thăm khám sức khỏe thường xuyên để kiểm tra tuyến giáp. Ảnh: Shutterstock
Healthnews thông tin tuyến là những cơ quan sản xuất các chất như hormone hoặc nước mắt. Tuyến giáp là một tuyến nhỏ hình con bướm, nằm ở phía trước cổ và có chức năng sản xuất hormone tuyến giáp.
Hormone tuyến giáp sẽ kiểm soát quá trình quan trọng như trao đổi chất, tăng trưởng và ảnh hưởng đến hầu hết cơ quan trong cơ thể. Khả năng tiêu hóa, chức năng cơ bắp, nhịp tim và sự phát triển của xương đều là những ví dụ điển hình liên quan đến tác dụng của hormone tuyến giáp.
Mang thai khi mắc các vấn đề về tuyến giáp có an toàn không?
Hormone tuyến giáp đóng một vai trò quan trọng trong thai kỳ. Sự phát triển lành mạnh của bộ não và hệ thần kinh thai nhi luôn cần hormone tuyến giáp. Trong nửa đầu của thai kỳ, em bé cần hormone tuyến giáp từ mẹ qua nhau thai. Khoảng 20 tuần sau khi mang thai, tuyến giáp của em bé sẽ tiếp quản và tạo ra đủ hormone tuyến giáp.
Cho dù tuyến giáp của phụ nữ sản xuất quá nhiều hormone (cường giáp) hay quá ít hormone (suy giáp), thai nhi vẫn có thể phát triển khỏe mạnh nếu được chăm sóc y tế thích hợp.
Nếu được điều trị sớm, các vấn đề về tuyến giáp sẽ không gây nguy hiểm cho mẹ và bé. Ảnh: EndocrineWeb
Suy giáp trong thai kỳ ảnh cần điều trị sớm
Khi tuyến giáp sản xuất quá ít hormone, nó sẽ gây ra chứng suy giáp. Bệnh Hashimoto – tình trạng rối loạn tự miễn dịch làm tổn thương tuyến giáp – được xem là nguyên nhân phổ biến gây suy giáp trong thai kỳ.
Suy giáp có thể gây ra các triệu chứng nguy hiểm cho bất kỳ ai. Tuy nhiên, những triệu chứng này sẽ tồi tệ hơn đối với thai phụ bị mệt mỏi và táo bón. Ngoài ra, chứng suy giáp không được điều trị trong thai kỳ có thể gây tiền sản giật, thiếu máu, thậm chí là các vấn đề về tim mạch.
Một số triệu chứng phổ biến của suy giáp ở người lớn (bao gồm phụ nữ mang thai) là mệt mỏi hoặc kiệt sức, cảm thấy lạnh, táo bón, chuột rút cơ bắp, khó tập trung.
Nếu được điều trị đúng cách và chú ý đến mức độ tuyến giáp của người mẹ, quá trình mang thai vẫn sẽ tiến triển thuận lợi, ít ảnh hưởng đến em bé. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, nồng độ hormone tuyến giáp thấp trong 3 tháng đầu sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển trí não của em bé. Bên cạnh đó, suy giáp ở thai phụ cũng có thể gây sẩy thai hoặc thai chết lưu.
Cường giáp có thể khiến sảy thai
Cường giáp là tình trạng tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone. Nguyên nhân phổ biến gây cường giáp là bệnh Graves, một bệnh rối loạn tự miễn dịch. Bệnh Graves khiến hệ thống miễn dịch tạo ra các kháng thể gọi là globulin miễn dịch kích thích tuyến giáp. Những kháng thể này sẽ tấn công tuyến giáp khiến nó sản xuất nhiều hormone hơn bình thường.
Các triệu chứng của cường giáp bao gồm: tăng sự thèm ăn, sút cân, tim đập nhanh, hồi hộp, những vấn đề về giấc ngủ, cảm thấy quá nóng, đổ nhiều mồ hôi, phì đại tuyến giáp, những vấn đề về mắt hoặc thị lực, da đỏ và thô ráp.
Nếu không được điều trị, cường giáp khi mang thai có thể để lại hậu quả nghiêm trọng như sảy thai hoặc sinh non. Nồng độ tuyến giáp cao đi qua nhau thai đến em bé sẽ làm tăng nhịp tim và cân nặng thấp khi sinh.
Một số em bé được sinh ra từ thai phụ bị cường giáp có thể gặp các vấn đề về tuyến giáp kéo dài về sau. Đồng thời, trong trường hợp người mẹ mắc bệnh Graves, một tỷ lệ nhỏ trẻ sơ sinh cũng sẽ mắc căn bệnh này.
Ảnh hưởng của bệnh Graves đối với trẻ sơ sinh là tạm thời. Do đó, nếu được điều trị thích hợp, bệnh nhân sẽ khỏi trong vòng vài tuần sau sinh. Dù vậy, trẻ sơ sinh vẫn cần được chú ý kỹ sau sinh và trong một năm đầu đời để phòng ngừa biến chứng của bệnh.