Những loại thuốc không được uống cùng nước cam

Nước cam giàu vitamin, giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Tuy nhiên, một số loại thuốc có thể tương tác với nước cam, ảnh hưởng tiêu cực đến tác dụng của thuốc, cũng như làm tăng nguy cơ xảy ra phản ứng phụ…

‏Nước cam ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc theo 2 cơ chế như sau:

‏- Trong nước cam chứa axit, có thể làm hỏng cấu trúc hoá học của các thuốc. Một khi mất cấu trúc hoá học đặc thù thì thuốc bị mất đi tác dụng. Ngoài ra, tính axit trong nước cam ảnh hưởng tới tác dụng của các thuốc điều trị dạ dày.‏

‏- Nước cam cũng có thể can thiệp vào khâu hấp thu thuốc, cụ thể là làm giảm nồng độ thuốc trong máu, giảm hấp thu từ ruột. Lý do là vì nước cam chứa một chất tương tự như naringin. Chất này làm bất hoạt hai men vận chuyển thuốc là OAT M1A2 và CYP3A4. Không có hai men này hoạt hoá, thuốc khó lòng mà được hấp thu đầy đủ.‏

‏Dưới đây là 5 loại thuốc không nên uống chung với nước cam, người bệnh cần lưu ý:

1. Thuốc kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn

‏Không nên uống thuốc kháng sinh chung với nước cam. Nguyên nhân là do trong nước cam chứa axit nên có thể làm ảnh hưởng đến cấu trúc hoá học của thuốc, khiến thuốc kháng sinh sẽ không còn tác dụng diệt khuẩn. Bệnh nhân sẽ có nguy cơ bị nhiễm khuẩn kéo dài.‏

‏Kháng sinh nhóm beta-lactam được dùng khá phổ biến trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp , tiêu hoá, tiết niệu, da – mô mềm, cơ, xương, sinh dục… Loại kháng sinh này có thể bị phân hủy khi uống chung với nước cam. ‏

‏Kháng sinh ciprofloxacin thường dùng điều trị nhiễm trùng tiêu hoá và tiết niệu sinh dục hoặc kháng sinh erythromycin cũng không nên uống cùng nước cam.‏

photo-1701337610169

‏Một số loại thuốc có thể tương tác với nước cam nếu uống chung.‏

2. Thuốc chẹn beta hạ huyết áp

‏Các thuốc chẹn beta giao cảm có tác dụng làm giảm nhịp tim và hạ huyết áp như propranolol, atenolol, metoprolol… khi dùng chung hoặc gần với thời điểm uống nước cam, có thể làm giảm mạnh nồng độ thuốc trong máu, khiến thuốc không đạt được nồng độ hiệu dụng.

Vì vậy, người bệnh không nên uống thuốc chẹn beta chung với nước cam.‏

3. Thuốc giảm ho dextromethorphan

‏Sử dụng nước cam với thuốc giảm ho dextromethorphan có thể làm tăng nguy cơ bị phản ứng phụ, khiến người bệnh gặp ảo giác và buồn ngủ.

Ảnh hưởng của các loại trái cây họ cam quýt với thuốc dextromethorphan có thể kéo dài trong một ngày hoặc lâu hơn.

Vì vậy, tốt nhất bệnh nhân không ăn chúng khi đang sử dụng dextromethorphan.‏

4. Thuốc chống dị ứng

‏Một số thuốc chống dị ứng như fexofenadin – loại thuốc giúp giảm các triệu chứng ngứa, nổi ban, viêm mũi dị ứng có thể xảy ra tương tác nếu người bệnh uống chung với nước cam. Nước cam làm giảm 20-30% nồng độ của thuốc trong máu, dẫn tới việc không đạt được hiệu quả điều trị như mong muốn.‏

5. Các thuốc tác động đến dạ dày

‏Nước cam cũng có thể gây ảnh hưởng tới tác dụng của các thuốc điều trị viêm loét dạ dày. Thuốc trị viêm loét dạ dày là những thuốc có khả năng ức chế sự bài tiết acid HCl, hoặc thuốc có tính ba-zơ nhẹ, giúp giảm nồng độ hoặc trung hòa axit trong dạ dày, nâng độ pH lên, nhờ vậy giúp giảm các triệu chứng bệnh. Trong khi đó, nước cam lại chứa nhiều vitamin C, nhiều axit citric, làm tăng nồng độ axit trong dạ dày. Do đó dùng nước cam đã vô tình ảnh hưởng tới tác dụng của thuốc trị viêm loét dạ dày.‏

‏Nếu đang dùng các loại thuốc gây kích ứng dạ dày (thuốc chống viêm NSAIDs, corticoid…) thì uống nước cam sẽ làm nặng hơn tình trạng khó chịu ở dạ dày, tá tràng.‏

photo-1701337613834

‏Tham khảo ý kiến bác sĩ để biết loại thuốc bạn uống có tương tác với nước cam hay không.‏

6. Một số lưu ý để tránh tương tác thuốc và nước cam

‏Để tránh những tương tác bất lợi trên, người bệnh cần lưu ý một số điều sau khi sử dụng thuốc:‏

  • Hỏi ý kiến bác sĩ, dược sĩ để biết loại thuốc đó có tương tác với nước cam hay không.‏
  • ‏Đọc hướng dẫn sử dụng thuốc để tìm hiểu xem nước cam có ảnh hưởng đến loại thuốc đó hay không.‏
  • ‏Nếu loại thuốc đó có thể xảy ra tương tác với nước cam, hãy đảm bảo tránh tiêu thụ cam khi uống thuốc, bao gồm ăn quả, mứt, nước trái cây… 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *