GĐXH – Bệnh viện TWQĐ 108 vừa phẫu thuật thành công cho bệnh nhân nam vừa có sỏi niệu quản, vừa có nang thận ung thư hóa. Hiện bệnh nhân sức khỏe ổn định, ăn uống sinh hoạt bình thường và đã được ra viện.
Phẫu thuật thành công cho bệnh nhân vừa có sỏi niệu quản, vừa có nang thận ung thư hóa
Thông tin từ Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết, mới đây, bệnh viện này vừa phẫu thuật thành công cho bệnh nhân nam mắc sỏi niệu quản và có nang thận Bosniak IV nguy cơ ung thư cao.
Trước đó, vào tháng 4/2023, khoa Tiết niệu trên (Bệnh viện TWQĐ 108) tiếp nhận bệnh nhân nam 59 tuổi vào viện với triệu chứng: đau vùng thắt lưng trái hơn 6 tháng, đau âm ỉ, không lan, không sốt, tiểu bình thường. Trước ngày vào viện 1 tuần: đau thắt lưng trái dữ dội, lan xuống dưới, tiểu buốt rắt.
Theo lời kể của bệnh nhân, bệnh nhân đã được thực hiện nội soi niệu quản trái tán sỏi 3 năm.
Tại Bệnh viện TWQĐ 108, qua khám và xét nghiệm cận lâm sàng, bênh nhân toàn trạng tốt, rung thận trái, ấn điểm đau niệu quản trái 1/3 trên, hình ảnh CT scan hệ tiết niệu có nang thận trái (36x45mm), thành dày không đều, ngấm thuốc sau tiêm, không thấy vôi hóa thành nang (Bosniak IV) và nang thận phải Bosniak I, sỏi niệu quản trái 1/3 trên gây giãn thận độ 2.
Hình ảnh nang thận trái Bosniak IV và sỏi niệu quản trái 1/3 trên. Ảnh: BVCC
Các bác sỹ khoa Tiết niệu trên đã hội chẩn chuyên và đưa ra chẩn đoán nang thận trái Bosniak IV có nguy cơ ung thư hóa và sỏi niệu quản trái 1/3 trên gây giãn thận độ II. Bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật cắt bán phần thận trái kèm nang và mổ lấy sỏi niệu quản trái kết hợp 1 thì.
Tham gia ê kíp phẫu thuật TS.BS Kiều Đức Vinh (khoa Tiết niệu trên) cho biết, bệnh nhân vừa có sỏi niệu quản vừa có nang thận Bosniak IV nguy cơ ung thư cao. Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật mổ mở, đi đường chéo bên, vào bộ lộ thận và niệu quản trái 1/3 trên, tiến hành lấy sỏi trước. Sau đó khống chế cuống mạch thận để cắt thận trái bán phần kèm nang và mỡ xung quanh.
Thời gian mổ mất 90 phút, không phải truyền máu sau mổ, lấy bệnh phẩm làm giải phẫu bệnh, kết quả ung thư biểu mô tế bào sáng của thận độ 1.
Sau 7 ngày, sức khỏe bệnh nhân ổn định, ăn uống sinh hoạt bình thường, ra viện và hẹn tái khám định kì.
TS.BS Kiều Đức Vinh cho biết thêm, cắt thận trái bán phần và lấy sỏi niệu quản tại là phẫu thuật lớn, đòi hỏi chẩn đoán chính xác và tiên lượng nguy cơ ung thư của nang thận dựa trên hình ảnh CT Scan HTN. Từ đó đưa ra phương pháp mổ phù hợp cho bệnh nhân.
Hình bên trong nang thận trái. Ảnh: BVCC
Nang thận là gì?
Nang thận là những khối dịch bất thường ở một hoặc cả hai bên thận, không thông với đài bể thận và chứa dịch trong bên trong. Nang thận có nhiều hình dáng khác nhau làm biến đổi mặt ngoài của thận.
Nang thận có thể gặp ở mọi độ tuổi nhưng thường xuất hiện ở trẻ em và người trên 50 tuổi. Cũng có trường hợp trẻ sơ sinh bị nang thận nhưng đó là nang bẩm sinh.
Nguyên nhân gây ra nang thận
Đến nay nguyên nhân chính xác gây ra nang thận là gì vẫn chưa thể tìm ra nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy khả năng cao là do ứ đọng nước tiểu trong thận. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu máu hoặc sự phá hủy cấu trúc của các ống thận cũng có thể gây ra bệnh lý này. Một số trường hợp khác do túi thừa trong ống thận tách ra hình thành nang.
Những yếu tố sau cũng được xem là góp phần làm tăng nguy cơ bị nang thận:
– Người đã trên 50 tuổi.
– Người có tiền sử với bệnh nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
– Bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo.
– Người sinh trong gia đình có tiền sử với bệnh lý về thận.
Nang thận được phân loại
Bệnh nang thận chia làm 3 loại: Nang đơn độc, thận nhiều nang, thận đa nang.
Nang đơn độc: Đây là nang phổ biến nhất, nằm ở vỏ thận, đa phần lành tính. Nếu kích thước nang lớn sẽ gây đau bên hông tương ứng, chèn ép vào nhu mô thận ảnh hưởng đến chức năng thận. Trường hợp này cần phải mổ để loại bỏ nang.
– Nhiều nang (ít nhất từ 2 nang trở lên): Nó là kết quả của sự tắc nghẽn nhiều đơn vị thận.
– Đa nang: Chủ yếu do di truyền, là kết quả của sự rối loạn cấu trúc khiến cho một phần lớn nhu mô thận bị biến thành nhiều nang có chứa dịch.
Phân loại nang thận theo Bosniak trên CT Scan để tiên lượng nguy cơ ác tính
Loại 1: Nang thận lành tính.
Loại 2: Hiếm khi ác tính.
Loại 3: Nguy cơ ác tính cao (40-50%).
Loại 4: Gần như ác tính (80-100%).
Triệu chứng nang thận
Hầu hết các trường hợp bị nang thận đều không có biểu hiện lâm sàng cho đến khi phát hiện ra bệnh hoặc khi đã có biến chứng. Trong trường hợp này, các triệu chứng lâm sàng thường thấy là:
– Bị đau ở hông hoặc sườn kèm theo đi tiểu ra máu vì nang lớn và chèn ép vào các cơ quan khác.
– Rét run, đau, sốt ở những trường hợp bị chảy máu hoặc nhiễm trùng nang. Lúc này cơn đau thường rất dữ dội.
– Tăng huyết áp khi chèn ép động mạch thận.
– Thận to, thăm khám lâm sàng có thể sờ thấy được.
Để chẩn đoán nang thận, người bệnh cần được siêu âm ổ bụng hay siêu âm hệ tiết niệu. Ảnh minh họa
Biến chứng nang thận cần thận trọng
Đa phần các trường hợp bị nang thận là vô hại và không cần chữa trị. Tuy nhiên, nguy cơ nhiễm trùng, u thận vẫn có thể xảy ra dù là tỷ lệ nhỏ.
Trường hợp nhiễm trùng có thể gây sốt và khiến người bệnh đau đớn dữ dội. Lúc này nang thận có nguy cơ vỡ và rò rỉ rất cao sinh ra nhiễm trùng huyết đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh.
Các trường hợp nang thận biến chứng thường đi kèm triệu chứng sau:
– Đau ở mạn sườn và bụng.
– Tiểu ra máu.
– Đau mạn sườn, tăng bạch cầu, sốt.
– Có sỏi thận mà chủ yếu là loại sỏi calci oxalat.
– Huyết áp tăng trong suốt quá trình diễn biến của bệnh.
Mắc nang thận điều trị thế nào?
Trên Báo Sức khỏe & Đời sống, bác sĩ chuyên khoa cho biết, trường hợp mắc nang đơn thận đặc biệt nang có kích thước nhỏ không cần điều trị và cũng không có thuốc điều trị. Thực tế cũng có thuốc được chứng minh làm chậm tiến trình phát triển nang thận nhưng hiện nay mới được cân nhắc chỉ định cho bệnh lý thận đa nang.
Chỉ định điều trị được đặt ra với những trường hợp nang thận có kích thước lớn (thường trên 6 cm) hoặc nang thận có biến chứng.
Xử lý nang đơn thận không có biến chứng có thể bằng kỹ thuật can thiệp tối thiểu như gây tê tại chỗ và chọc hút hoặc dẫn lưu dịch nang thận dưới hướng dẫn của siêu âm kết hợp tiêm cồn tuyệt đối gây xơ hóa thành nang nhằm giảm thiểu tái phát dịch nang thận. Có thể xử lý triệt để hơn bằng cách phẫu thuật cắt nang (hiện nay chủ yếu là phẫu thuật nội soi) nhưng cần thời gian nằm viện dài hơn và tốn kém hơn so với chọc hút nang thận.
Bệnh nang thận được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ ngăn ngừa được nguy cơ gây ra các biến chứng xấu cho sức khỏe. Vì thế thăm khám sức khỏe định kỳ để được kiểm tra, phát hiện bệnh sớm.
Khi đến thăm khám tại cơ sở y tế, các bác sĩ sẽ căn cứ trên dấu hiệu lâm sàng, tiền sử bệnh để đưa ra các chỉ định xét nghiệm thăm dò chức năng thận để chẩn đoán chính xác bệnh.
“Bệnh nhân bị nang thận nên khám sức khỏe thường xuyên theo hẹn 6-12 tháng bằng siêu âm bụng, xét nghiệm nước tiểu và chức năng thận định kỳ”, TS.BS Kiều Đức Vinh (Bệnh viện TWQĐ 108) đưa ra lời khuyên.