Sở Y tế TP.HCM vừa nêu ra 7 khó khăn, thách thức lớn của ngành sau dịch COVID-19.
Khó khăn thứ nhất được Sở Y tế TP.HCM đưa ra là 1 số đơn vị sự nghiệp y tế không có nguồn kinh phí để thực hiện Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐND, điều này làm cho một bộ phận nhân viên y tế công lập không nhận được thu nhập tăng thêm, số nghỉ việc tiếp tục gia tăng.
Khó khăn thứ hai là tình hình nghỉ việc của nhân viên y tế công lập có chiều hướng gia tăng, trong đó, đáng lo ngại là số điều dưỡng nghỉ việc tăng, dẫn đến tỷ lệ điều dưỡng/bác sĩ tại một số bệnh viện công lập đang có xu hướng giảm dần, điều này ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc người bệnh. Hiện nay, một số bệnh viện đang gặp khó khăn trong tuyển dụng điều dưỡng mới thay thế cho số điều dưỡng đã nghỉ việc.
Hình minh hoạ.
Thứ ba là một số trạm y tế phường, xã chưa thật sự thu hút được người dân đến khám, chữa bệnh ban đầu, một trong những nguyên nhân chính đó là trung tâm y tế quận, huyện đấu thầu không đủ loại thuốc và danh mục thuốc cho hoạt động khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế, nhất là công tác chăm sóc và quản lý bệnh không lây tại cộng đồng do không đủ các loại thuốc điều trị ngoại trú cho các bệnh này như ở bệnh viện tuyến huyện.
Khó khăn thứ tư là các bệnh viện công lập gặp nhiều khó khăn trong cung cấp các dịch vụ tiện ích phục vụ người bệnh và thân nhân người bệnh (như bãi giữ xe, căn tin…) do phải chờ Sở Tài chính thẩm định và UBND TP.HCM phê duyệt theo Nghị định số 151/2017/NĐ-CP.
Khó khăn thứ năm là người dân mắc các bệnh tâm thần, bệnh truyền nhiễm, bị chấn thương hoặc mắc các bệnh thuộc chuyên khoa chấn thương chỉnh hình còn gặp nhiều khó khăn khi đến các bệnh viện chuyên khoa Tâm thần, Bệnh Nhiệt đới, Chấn thương chỉnh hình để khám, chữa bệnh vì cơ sở hạ tầng của các bệnh viện này xuống cấp, quá tải; Hệ thống các cơ sở y tế của TP Thủ Đức chưa xứng tầm mô hình phát triển thành phố trong thành phố.
Khó khăn thứ sáu là tình hình tự chủ tài chính của hầu hết các đơn vị sự nghiệp y tế công lập gặp rất nhiều khó khăn khi giá viện phí chưa được tính đủ các yếu tố cấu thành, số lượt khám, chữa bệnh giảm giai đoạn sau đại dịch COVID-19 càng làm mất cân đối chênh lệch thu – chi của các bệnh viện, nhất là các bệnh viện đa khoa
Khó khăn cuối cùng là nhiều bệnh viện chưa được cơ quan BHXH thanh toán chi phí điều trị vượt tổng mức thanh toán, càng làm cho tình trạng mất cân đối thu chi gia tăng, làm tăng thời gian giải quyết công nợ thuốc, vật tư y tế theo quy định.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM: ‘Không để tình trạng thiếu thuốc xảy ra trên diện rộng’
Trong giai đoạn hậu dịch COVID-19, ngành y tế đối diện nhiều khó khăn, thách thức mới, trong đó nổi bật nhất là nguy cơ thiếu thuốc, vật tư y tế.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhấn mạnh không để TP thiếu thuốc xảy ra trên diện rộng.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng phát biểu tại buổi gặp gỡ cán bộ nhân viên y tế đang công tác tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố – Ảnh: HỮU HẠNH
Trong buổi gặp gỡ giữa Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và cán bộ nhân viên y tế đang công tác tại các cơ sở y tế trên địa bàn TP sáng 5-8, giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng nêu ra những khó khăn, thách thức mới xuất hiện trong giai đoạn hậu dịch COVID-19.
Nguy cơ đầu tiên được người đứng đầu ngành y tế TP.HCM nêu ra là dịch chồng dịch như sốt xuất huyết, dịch COVID-19, bệnh mới nổi… Bên cạnh đó, thành phố còn đối mặt nguy cơ thiếu thuốc, vật tư y tế.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết đã yêu cầu phòng nghiệp vụ dược triển khai nhiều hoạt động có hiệu quả trong đấu thầu mua sắm thuốc tại các bệnh viện và các đơn vị trực thuộc, không để tình trạng thiếu thuốc xảy ra trên diện rộng.
Sẽ luân phiên đấu thầu tập trung các địa phương mỗi năm 2 lần tại các bệnh viện tuyến cuối thành phố, huy động nguồn lực của cả ngành y tế tham gia.
Tổ chức giám sát tình hình sử dụng thuốc, tổ chức điều phối giữa các bệnh viện. Chuẩn bị nguồn lực chuyên trách công tác quản lý và cung ứng thuốc cho bệnh viện, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc tại y tế cơ sở.
“Cũng lo thiếu thuốc nhưng không đến nỗi lo mà không dám đấu thầu mua sắm thuốc”, ông Tăng Chí Thượng nói.
Một trong những nguy cơ được ông Tăng Chí Thượng nêu thêm là biến động nguồn nhân lực y tế khi nhân viên y tế công lập nghỉ việc có xu hướng tăng. Một số cán bộ quản lý xin nghỉ việc vì nhiều lý do khác nhau và tâm trạng lo lắng trong một số bộ phận nhân viên y tế đã xuất hiện.
Từ đầu năm đến nay có 891 viên chức, nhân viên các cơ sở y tế công lập xin nghỉ việc. Đồng thời cũng đã có nhiều nhân viên y tế mới tốt nghiệp xin vào làm việc.
Theo thống kê, số người làm việc năm 2021 là 42.914 người, số người làm việc 6 tháng đầu năm 2022 là hơn 42.608 người. Như vậy, từ giai đoạn cuối năm 2021 đến thời điểm hiện nay, số nhân viên y tế tại các cơ sở y tế công lập đã giảm 306 người.
“Tuy tổng số người làm việc giảm không nhiều (306 người) nhưng gây khó khăn không nhỏ cho các cơ sở y tế công lập, bởi vì những người nghỉ việc là người có thâm niên, nhiều năm kinh nghiệm, còn người mới vào thì mới tốt nghiệp, cần thời gian để thực hành, làm việc”, ông Tăng Chí Thượng chia sẻ.